25/11/2022
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 chủ trì Hội thảo. Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam; bà Stefani Stallmeister, Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; ông Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Uỷ viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển; cộng đồng doanh nghiệp…
Các đồng chí chủ trì Hội thảo
Hội thảo diễn ra trong thời gian một ngày với 3 phiên thảo luận xoay quanh các chủ đề chính là: Giới thiệu tổng quan, tình hình triển khai thực hiện và nhu cầu huy động, đa dạng hóa các nguồn vốn cho Chương trình MTQG dân tộc thiểu số và miền núi; Thảo luận định hướng hợp tác hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chia sẻ định hướng thành lập mạng lưới trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và thu hút đầu tư vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và miền núi.
Quang cảnh Hội thảo.
Trong khuôn khổ của Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào các nội dung trọng tâm, bao gồm cơ chế, chính sách và quan điểm chỉ đạo chung của Quốc hội, Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025 về việc huy động nguồn lực cho triển khai thực hiện Chương trình MTQG DTTS; chia sẻ nhu cầu huy động, đa dạng hóa các nguồn vốn cho Chương trình MTQG; bài học kinh nghiệm thành công và kết nối hợp tác với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất tại vùng đồng bào DTTS và miền núi; chia sẻ định hướng và đề xuất cơ chế hợp tác hỗ trợ phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi thông qua Chương trình; chia sẻ định hướng thành lập mạng lưới trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi.
PGS.TS. Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức nhấn mạnh: “Một trong những định hướng của Đề án 844 về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Quốc gia là tạo ra một mạng lưới kết nối khởi nghiệp Quốc gia, trong đó hạt nhân chính là những trường đại học dẫn dắt trong hệ sinh thái; vì vậy, các Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp tại các cơ sở giáo dục đại học cũng chính là các hạt nhân quan trọng trong việc thực hiện chương trình MTQG về khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp cho thanh niên vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng.” PGS.TS. Bùi Văn Dũng cũng chia sẻ: Thanh Hóa là tỉnh có diện tích lớn thứ 5 cả nước (11.168km2), dân số đứng thứ 3 (trên 3,4 triệu người); có 11/27 huyện, thị xã, thành phố là huyện miền núi, trong đó có 7 huyện thuộc diện nghèo nhất cả nước (chiếm 53% diện tích toàn tỉnh; trong đó có 76.234 hộ người DTTS với 337.330 khẩu, chiếm 78,55% chủ yếu là dân tộc Thái, Mường, Mông, Thổ). Do đó, việc đào tạo, trang bị kỹ năng khởi nghiệp cho đồng bào vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là vô vùng cần thiết. Trường Đại học Hồng Đức là trường đại học lớn của tỉnh, nơi có số lượng sinh viên người dân tộc thiểu số chiếm 16% tổng số học viên, sinh viên toàn trường (khoảng 2000/12.000 tổng số SV); 40% sinh viên sống tại khu vực 11 huyện miền núi đang học tập tại trường có nhu cầu được đào tạo và hỗ trợ khởi nghiệp. Trong thời gian qua, Nhà trường luôn xác định Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là nội dung quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển. Hiện Trường Đại học Hồng Đức là đơn vị thực hiện nhiều nhiệm vụ/đề tài/dự án trong lĩnh vực khởi nghiệp (đặc biệt đã thực hiện 2 nhiệm vụ thuộc Đề án 844) và cũng là một trong số ít các trường đại học trên cả nước triển khai đưa học phần KNĐMST vào tất cả các chương trình đào tạo hiện có cho sinh viên. Để thúc đẩy hoạt động ĐMST và khởi nghiệp trong sinh viên, năm 2001, Câu lạc bộ Nhà doanh nghiệp tương lai - Vườn ươm khởi nghiệp của sinh viên Trường Đại học Hồng Đức đã được thành lập có nhiệm vụ kết nối các ý tưởng, dự án của người học với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp; nhà trường cũng có đội ngũ hơn 20 tư vấn, cố vấn khởi nghiệp (Mentors) được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có kinh nghiệm và năng lực tốt luôn sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động KNĐMST trong đoàn viên, thanh niên HSSV...
PGS.TS. Bùi Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức cũng khẳng định: Với vai trò là hạt nhân của hệ sinh thái khởi nghiệp, Trường Đại học Hồng Đức có đủ kinh nghiệm, năng lực và sẵn sàng hợp tác cùng các Đại học vùng lân cận trong việc trở thành trung tâm vệ tinh của trung tâm quốc gia về hỗ trợ khởi nghiệp khởi sự kinh doanh và thu hút đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi; từ đó đóng góp vào mục tiêu hoàn thành tốt các nhiệm vụ của Chương trình MTQG DTTS giai đoạn 2021 - 2030.
PGS.TS. Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng Nhà trường và các thành viên trong đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.
Trung tâm CNTT&TT