03/06/2022
Đáp ứng yêu cầu đổi mới đào tạo
Trường Đại học Hồng Đức là trường công lập, đa ngành, trực thuộc UBND tỉnh Thanh Hoá và chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiện tại, Trường đang tổ chức đào tạo 04 chuyên ngành trình độ tiến sĩ, 19 chuyên ngành trình độ thạc sĩ và 32 ngành trình độ đại học, với các hình thức đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội trên 04 lĩnh vực: Giáo dục, Kinh doanh-Quản lý-Luật, KTCN-CNTT-Nông -Lâm -Ngư nghiệp, Khoa học Xã hội-Nhân văn và Hành vi. Bên cạnh đó, Nhà trường còn thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn (Chứng chỉ Kế toán trưởng, Tin học, Tiếng dân tộc, Nghiệp vụ sư phạm, Quản lý giáo dục, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn Chức danh nghề nghiệp…).
Nhà trường có 452 giảng viên, trong đó có 23 PGS, 169 tiến sĩ; giảng viên có trình độ tiến sĩ chiếm hơn 40% và hiện đang có 69 giảng viên đang làm NCS (có 16 NCS ở nước ngoài). Quy mô đào tạo của Trường khoảng hơn 10.000 sinh viên, học viên ở các hình thức và trình độ đào tạo.
Thời gian qua, Nhà trường đã có sự điều chỉnh về trình độ đào tạo, chủ yếu đào tạo đại học và sau đại học, giảm và tiến tới không đào tạo trình độ cao đẳng (hiện nay, chỉ đào tạo Cao đẳng Giáo dục Mầm non), tỷ lệ học viên sau đại học tăng từ 0,36% (năm 2010) lên 12,16% (năm 2020) so với tổng số sinh viên hệ chính quy; sinh viên đào tạo theo hình thức VLVH giảm dần, trình độ cao đẳng giảm từ 14,4% xuống còn 5,1% tổng người học các trình độ và hình thức đào tạo.
Để không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy, Nhà trường đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hiện tại, Nhà trường có 02 địa điểm/cơ sở với tổng diện tích hơn 40 ha; hơn 200 phòng học, 35 phòng/hội trường có sức chứa từ 150-200 chỗ ngồi, 15 phòng học đa phương tiện. Hệ thống phòng thí nghiệm, thực hành được trang bị máy móc hiện đại; hệ thống thư viện, phòng đọc khang trang, đa dạng hóa nguồn học liệu, được kết nối với thư viện hàng trăm trường đại học, viện nghiên cứu với hàng triệu đầu sách, tài liệu giáo trình chuyên ngành đảm bảo phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Bên cạnh đó, Ký túc xá Nhà trường với 505 phòng, 3.030 chỗ ở đảm bảo chất lượng sinh hoạt, học tập của người học.
PGS.TS Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức.
Trao đổi với Bạn đọc Tạp chí Văn Hiến Việt Nam, PGS.TS Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức cho hay, các chương trình đào tạo được đưa vào giảng dạy thường xuyên rà soát và cập nhật định kỳ, bổ sung theo hướng hiện đại, liên thông: Cụ thể, Nhà trường đã thực hiện rà soát, điều chỉnh 100% chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng và phát huy năng lực người học nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW và theo khung trình độ quốc gia Việt Nam. Các chương trình khi rà soát, điều chỉnh, xây dựng đã thực hiện quy trình khảo sát, xác định nhu cầu nhân lực của người sử dụng lao động, xác định chuẩn đầu ra trong đó chú trọng chuẩn năng lực nghề nghiệp của mỗi ngành đào tạo cụ thể.
Ứng dụng khoa học gắn với thực tiễn
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới trong công tác đào tạo giáo viên, hoạt động khoa học và công nghệ của Nhà trường được đổi mới theo 2 hướng chính: nghiên cứu đổi mới, phát triển chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá; nghiên cứu ứng dụng phục vụ sản xuất và đời sống. Nhiều đề tài tập trung nghiên cứu đáp ứng yêu cầu đổi mới quản lý và đào tạo giáo viên, PGS.TS Bùi Văn Dũng cho biết thêm.
Kí kết hợp tác với các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ việc làm cho sinh viên.
Trong nhiều năm qua, hoạt động KH&CN của Nhà trường đã đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp trực tiếp trong việc nâng cao chất lượng đào tạo tại Trường và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Thanh Hóa. Mỗi năm, giảng viên của nhà trường được phê duyệt mới từ 2-3 đề tài cấp Nhà nước, cấp Quốc gia; 8-9 đề tài, dự án cấp Tỉnh; công bố từ 35-40 bài báo trên tạp chí quốc tế (trong đó có khoảng 20-25 bài thuộc danh mục ISI, Scopus).
Giai đoạn 2017 – 2021, Nhà trường đã chủ trì thực hiện 286 nhiệm vụ KH&CN các cấp, trong đó 10 đề tài, dự án cấp quốc gia và tương đương; 28 đề tài cấp bộ, 39 đề tài/dự án cấp tỉnh; 209 đề tài cấp cơ sở. Từ kết quả nghiên cứu các đề tài, dự án KH&CN do Trường Đại học Hồng Đức chủ trì đã có nhiều giống cây trồng có năng suất chất lượng cao, nhiều quy trình, công nghệ tiên tiến, các mô hình sản xuất, tiêu thụ, các giải pháp chính sách… được ứng dụng, chuyển giao vào sản xuất và đời sống, qua đó góp phần trực tiếp nâng cao năng suất, sản lượng và thu nhập của người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh. Một số các sản phẩm từ kết quả nghiên cứu của đề tài, dự án khoa học và công nghệ của Trường được thương mại hóa trong quá trình ứng dụng, chuyển giao (giống lúa Hồng Đức 9, Bơm thủy năng HĐBT, Công nghệ xử lí môi trường, Bộ chế phẩm Trico – HDU, Giường bệnh đa năng…).
Cũng trong giai đoạn 2017-2021, cán bộ, giảng viên toàn Trường đã công bố 2.268 bài báo trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, trong đó có 297 bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế; 247 bài báo thuộc danh mục Web of Science, Scopus. Năm 2019 Trường Đại học Hồng Đức được xếp hạng 49/256 cơ sở giáo dục đại học có công bố quốc tế tốt nhất Việt Nam; Năm 2020 được Webometrics xếp thứ 36/100 trường đại học tốt nhất Việt Nam. Đến năm 2021, Trường được xếp thứ 30 trong top 100 trường đại học tốt nhất ở Việt Nam hiện nay.
Các chương trình talkshow được tổ chức có sự tham gia của nhà quản lý, doanh nghiệp chia sẻ về hoạt động khởi nghiệp cùng sinh viên.
Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Về hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, PGS.TS Bùi Văn Dũng cho rằng, Nhà trường triển khai hoạt động này đa dạng, phong phú và mang lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể, năm 2017-2018, Trường Đại học Hồng Đức đã phối hợp với Trung tâm Hoa Kỳ, Đại sứ quán Mỹ tổ chức các khóa đào tạo ươm mầm khởi nghiệp, khởi nghiệp thông minh cho hơn 200 lượt sinh viên; giai đoạn 2017-2020, thực hiện kế hoạch đào tạo khởi sự doanh nghiệp và bồi dưỡng doanh nhân của UBND tỉnh Thanh Hóa, mỗi năm đào tạo 3 – 4 lớp cho 300 – 400 sinh viên đang học năm thứ 3, năm thứ 4 tại nhà trường. Nhà trường đã được Bộ Khoa học và Công nghệ giao thực hiện nhiệm vụ của Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, đề án đã đào tạo 35 chuyên gia khởi nghiệp là cán bộ, giảng viên và trang bị kiến thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho hơn 600 lượt sinh viên của nhà trường.
Lễ bế giảng và trao bằng Thạc sĩ.
Hiện nay, thực hiện Quyết định số 5519/QĐ-UBND ngày 30/12/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt “Chương trình hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025”, Trường Đại học Hồng Đức đang xây dựng Đề án thành lập: Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thanh Hóa tại Trường Đại học Hồng Đức, trở thành hạt nhân kết nối và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại tỉnh Thanh Hóa; nhằm tư vấn, huấn luyện, đào tạo, truyền thông và cung cấp các hoạt động/dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ.
Có thể nói, kết quả hoạt động Khoa học, Công nghệ & Đổi mới Sáng tạo trong những năm qua đã đóng góp trực tiếp vào phát triển các ngành khoa học, phát triển các lĩnh vực nghiên cứu; Đóng góp trực tiếp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tại Trường và phát triển kinh tế, xã hội của Tỉnh. Trong thời gian tới, hoạt động KH,CN&ĐMST sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, khẳng định uy tín và thương hiệu của Trường Đại học Hồng Đức trong cộng đồng xã hội. Thực hiện thành công mục tiêu chiến lược xây dựng Trường Đại học Hồng Đức trở thành đại học thông minh, là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo; hội nhập được với các trường đại học tiên tiến trong khối ASEAN và quốc tế.
Với những cố gắng và nỗ lực ấy, Trường Đại học Hồng Đức đã vinh dự nhận được nhiều bằng khen và các danh hiệu cao quý do Nhà nước tặng như: Huân chương Lao động hạng Ba (2002); Huân chương Lao động hạng Nhì (2011), Huân chương Lao động hạng Nhất (2017) và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Thế Hiếu/ Tạp chí Văn Hiến Việt Nam