25/11/2022
Tham dự Hội thảo có đồng chí Hà Ứng Khâm - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thiết Kế Bá Thước; đồng chí Hà Văn Ngợi – Phó Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Bá Thước; các thầy cô là giáo viên dạy tiếng Thái tại Trường THPT huyện Quan Sơn, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Bá Thước. Về phía Trường Đại học Hồng Đức có PGS.TS. Hoàng Thị Mai – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; đại diện lãnh đạo các phòng ban chức năng; các tác giả có bài tham luận; cán bộ giảng viên quan tâm đến vấn đề nghiên cứu.
Mở đầu Hội thảo, PGS.TS. Mai Văn Tùng – Trưởng khoa KHXH đại diện Ban biên soạn tài liệu tiếng Thái trình bày báo cáo tóm tắt quá trình triển khai thực hiện hợp đồng KH&CN của Bộ Nội vụ với Nhà trường. Từ tháng 7 năm 2022 đến nay, Ban biên soạn đã tiến hành điều tra khảo sát và tổ chức Hội thảo: "Nghiên cứu thực trạng nguồn tài liệu về tiếng dân tộc Thái cho cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa"; nghiên cứu xây dựng khung chương trình, đề cương chi tiết tài liệu dạy học tiếng Thái; xây dựng chương trình khung Bộ tài liệu dạy tiếng Thái cho cán bộ công chức, viên chức tỉnh Thanh Hóa... Theo PGS.TS. Mai Văn Tùng: "Việc biên soạn, chỉnh sửa, bổ sung tài liệu dạy học tiếng Thái cho cán bộ công chức, viên chức tỉnh Thanh Hóa là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt trên cả hai phương diện khoa học và đào tạo nhằm đáp ứng mục tiêu xây dựng 100% đội ngũ cán bộ công chức, viên chức công tác ở các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số biết tiếng dân tộc Thái và để việc học tiếng dân tộc thiểu số trở thành nhiệm vụ thường xuyên đối với cán bộ công chức, viên chức công tác tại vùng miền núi có đồng bào dân tộc thiểu số, chung sống và làm việc với đồng bào”.
PGS.TS. Hoàng Thị Mai - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, PGS.TS. Hoàng Thị Mai - Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho rằng: Việc giữ gìn và phát huy tiếng Thái thông qua đào tạo, bồi dưỡng tiếng Thái cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức công tác ở vùng có đồng bào dân tộc thiểu số biết tiếng dân tộc Thái có tính chất cấp thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu về kỹ năng nghiệp vụ, lãnh đạo, quản lý trong thời kỳ hội nhập và chuyển đổi số; đồng thời đây cũng là nhiệm vụ quan trọng góp phần bảo tồn, phát triển tiếng nói, chữ viết và văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Thái nói riêng. PGS.TS. Hoàng Thị Mai mong muốn các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ trao đổi, thảo luận và đóng góp những ý kiến thiết thực cho bộ “Tài liệu dạy học tiếng Thái”; đây là căn cứ để Ban biên soạn xem xét điều chỉnh, hoàn thiện bộ tài liệu dạy học tiếng Thái, tiến hành nghiệm thu và đưa vào sử dụng thay thế bộ tài liệu cũ (biên soạn năm 2014).
PGS.TS. Đinh Ngọc Thức – Phó Trưởng phòng QLKHCN&HTQT phát biểu đồng chủ trì Hội thảo.
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được nhiều báo cáo tham luận có chất lượng, tâm huyết của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và các nhà ngôn ngữ tiếng Thái. Các báo cáo tham luận tập trung vào các vấn đề: Sự cần thiết trong việc biên soạn, chỉnh sửa, bổ sung tài liệu tiếng dân tộc Thái cho cán bộ công chức, viên chức tỉnh Thanh Hóa và hướng mở ngành Đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc Thái; mục tiêu, cấu trúc, thời lượng, nội dung, cách thức trình bày và hình thức tài liệu; các kiến thức kỹ năng cơ bản, trọng tâm và kiến thức kỹ năng mở rộng liên hệ thực tiễn; các phần luyện tập củng cố bài học dạy tiếng dân tộc Thái...
Thầy giáo Hà Ứng Khâm - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thiết Kế Bá Thước trình bày tham luận tại Hội thảo.
Cô giáo Hà Thị Khuyên - Giáo viên Trường THPT Quan Sơn trình bày tham luận tại Hội thảo.
Trong khuôn khổ của hội thảo, các đại biểu đã được nghe các báo cáo viên trình bày một số báo cáo tham luận về “Nhu cầu biên soạn, chỉnh sửa, bổ sung bộ tài liệu tiếng dân tộc Thái và hoạt động tổ chức dạy học, bồi dưỡng tiếng dân tộc Thái cho cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa” của TS. Nguyễn Thị Duyên – Khoa KHXH; “Nâng cao chất lượng bộ tài liệu tiếng dân tộc thái đào tạo cho cán bộ công chức, viên chức tỉnh Thanh Hóa và vận hành thái học hướng mở ngành đào tạo sư phạm tiếng dân tộc tại Trường Đại học Hồng Đức” của PGS.TS. Mai Văn Tùng - Khoa KHXH, Trường Đại học Hồng Đức; "Những Thay đổi trong cấu trúc, phương pháp dạy - học tiếng Thái” của Thầy giáo Hà Ứng Khâm - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thiết Kế Bá Thước; “Những đột phá trong việc thực hiện xây dựng biên soạn, chỉnh sửa bộ tài liệu dạy học tiếng dân tộc Thái cho cán bộ công chức, viên chức tỉnh Thanh Hóa năm 2022” của Cô giáo Hà Thị Khuyên - Giáo viên Trường THPT Quan Sơn;…
PGS.TS. Lê Thị Phượng – Phó Trưởng khoa KHXH phát biểu ý kiến tại Hội thảo
Cũng tại Hội thảo các đại biểu trao đổi, thảo luận và chia sẻ về các vấn đề cốt yếu của cuốn tài liệu, như: nhận xét, góp ý về cấu trúc của tài liệu; nhận xét về thời lượng, các ngữ liệu dạy học tiếng Thái được sử dụng trong tài liệu (bài đọc/hội thoại…); các thuật ngữ/từ vựng được lựa chọn để dạy học trong tài liệu; ngữ pháp tiếng Thái; hệ thống tranh ảnh minh họa cho nội dung các bài học của tài liệu cùng một số vấn đề liên quan đến tài liệu và dạy học theo tài liệu này.
Quang cảnh Hội thảo.
Từ những nội dung của các tham luận và những ý kiến trao đổi trực tiếp của các đại biểu tham dự, Hội thảo đã thật sự trở thành diễn đàn khoa học để các nhà khoa học trao đổi, chia sẻ về sự cần thiết cũng như tính cấp thiết trong việc biên soạn, chỉnh sửa, bổ sung tài liệu dạy học tiếng Thái cho cán bộ công chức, viên chức tỉnh Thanh Hóa, đồng thời cũng chỉ ra được tính thời đại, tính mới có giá trị ưu trội về mặt nội dung, cũng như chất lượng khoa học của bộ tài liệu biên soạn lần này (năm 2022)./.
Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.
Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.
Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.
Trung tâm CNTT&TT